Chân Kính Đồng Hồ Là Gì ?
Tại sao Chân Kính lại được đưa vào làm tiêu chí đánh giá cho một chiếc đồng hồ?
Bạn đang đi tìm đáp án cho những vấn đề nêu trên ?
Vậy là bạn đang tìm đến đúng chỗ rồi đấy !
Trong bài viết này, mình sẽ cũng chia sẻ với bạn tất cả
9 điều cơ bản bạn sẽ muốn biết về chân kính đồng hồ.
Danh sách dưới đây bao gồm 9 chủ đề cùng lời nhắn của mình. Nó sẽ rất hữu ích nếu bạn chưa có đủ thời gian hay đặc biệt quan tâm tới chủ đề cụ thể nào đó trong số mình đưa ra.
Mục Lục
1. Chân Kính Đồng Hồ Là Gì ?
2. Tác Dụng Của Chân Kính
3. Chân Kính Làm Từ Chất Liệu Gì ?
4. Có Bao Nhiêu Loại Chân Kính
5. “17 Jewels”, “21 Jewels” hay “23 Jewels” Có Ý Nghĩa Gì?
6. Vị Trí Của Chân Kính
7. Tại Sao Số Lượng Chân Kính Thường Là Số Lẻ
8. Những Vấn Đề Thường Gặp Phải Với Chân Kính
9. Liệu Số Lượng Chân Kính Có Quyết Định Chất Lượng Đồng Hồ ?
10. Lời Nhắn
Giờ chúng ta sẽ bắt đầu đi kĩ tìm hiểu từng danh mục nhé.
1. Chân Kính Đồng Hồ Là Gì ?
Ý nghĩa tên gọi “Chân Kính” hay “Jewel”.
Chân kính có tên tiếng Anh được biết đến như “Jewel” hay “Jewel Bearing”, là một phần của bộ chuyển động cấu thành nên chiếc đồng hồ mà mình và các bạn đang hoặc mong muốn sở hữu.
Vậy Jewel là gì?
Jewel nếu dịch ra tiếng Việt, nó có nghĩa đơn thuần chỉ là đá quý dùng để trang trí.
Jewel – Đây cũng chính là vật liệu tạo nên chi tiết này.
Video phía dưới sẽ cho bạn thấy một cái nhìn tổng thể hơn về chân kính/Jewel:
Nguồn gốc của từ “Chân Kính”.
Khi du nhập vào Việt Nam, vào đúng thời kì lối dùng chữ Hán-Việt được ưa chuộng nên chúng ta có từ “Chân Kính” thông dụng của ngày nay.
Ở đây, mình đoán rằng chữ “chân” cũng có nghĩa như là “chấn” trong chấn giữ và chữ “kính” mang nghĩa cứng, khỏe.
Rất có lý phải không nào ? Nếu bạn có cách hiểu nào chính xác hơn, hãy để lại bình luận nhé !
Vậy chỉ bằng 2 từ chân kính đã nói lên gần hết ý nghĩa của nó. Bản thân mình cũng thích cách gọi này hơn chỉ đơn giản là đá quý (Jewel).
Những viên đá màu hồng các bạn đang nhìn phía dưới đây chính là bộ phận mình đang nhắc đến trong bài viết này.
Chân kính với kích thước siêu nhỏ, được tạo nên rất kì công từ những viên đá có độ bền và độ cứng cao nhằm duy trì độ chính xác của bộ máy.
Về nguồn gốc, chân kính được phát minh và đưa vào sử dụng trong công nghệ sản xuất đồng hồ đeo tay từ năm 1704.
Những sản phẩm đầu tiên này đều sử dụng đá tự quý tự nhiên. Ví dụ như kim cương, sapphire, ruby và garnet.
200 năm sau đó, đã có sự thay đổi !
Năm 1920, nhà hóa học Augeste Verneuil đã phát minh ra đá quý nhân tạo. Phát minh nổi tiếng này đánh dấu một bước ngoặt lớn. Đặc biệt thay đổi gần như hoàn toàn nền công nghiệp sản xuất và chế tạo chân kính.
Phát minh được công bố chính thức vào năm 1920. Trên thực tế, ông đã từng hé lộ về nó với viện nghiên cứu những 28 năm trước đó
Có lẽ ông đã dành thêm 28 năm để cho ra một phiên bản hoàn hảo hơn.
Hoặc vì một vấn đế nào đó mà có lẽ những người thường như chúng ta chưa thể hiểu được.
Vậy là nhờ có Augeste Verneuil, chúng ta biết đến quy trình sản xuất sapphire tổng hợp và ruby nhân tạo. Vật liệu này còn được biết đến với tên gọi khác là tinh thể nhôm oxit, tên khoa học là conrundum.
Đây cũng chính là phiên bản chân kính được sử dụng phổ biến trên những mẫu đồng hồ phổ thông đến cận cao cấp cho tới ngày nay.
2. Tác Dụng Của Chân Kính
Dưới đây là 3 tác dụng chính mà chân kính đã và đang mang lại:
Tác dụng số 1: Giảm ma sát giữa các chuyển động giúp tăng độ chính xác
Điều không thể tránh khỏi khi bộ máy cơ học vận hành, đó chính là sự ma sát.
Ở các thời điểm khác nhau thì độ ma sát sẽ khác nhau và nằm ngoài sự tính toán của nhà sản xuất.
Với sự góp mặt của chân kính, những viên đá với độ cứng cao và tỉ lệ bào mòn gần như rất thấp sẽ giải quyết vấn đề quan ngại nói trên
Tác dụng số 2: Tăng độ bền cho máy
Về phần này không khó để đoán ra, cùng với việc giảm thiểu ma sát, chân kính đã giúp những chiếc đồng hồ cơ kéo dài tuổi thọ lên rất nhiều.
Tác dụng số 3: Tăng tính thẩm mỹ
Khi chiếc đồng hồ ra đời không chỉ đơn giản là xem giờ, nó còn là một món trang sức thể hiện phong cách của bạn.
Với cá nhân mình, chân kính là những viên ngọc tinh hoa tạo điểm nhấn cho bộ máy cơ học có phần khô khan. Điều này giúp nâng tầm chiếc đồng hồ về cả giá trị hình thức và giá trị vật chất.
Rõ ràng với sự góp mặt của chân kính, bộ máy trở nên bắt mắt hơn rất nhiều phải không nào ?
3. Chân Kính Làm Từ Chất Liệu Gì ?
Như đã giới thiệu ở phần 1, chân kính được làm từ các vật liệu rất đắt tiền khi xuất hiện lần đầu tiên vào đầu thế kỉ thứ 17. Các vật liệu được sử dụng khi đó hoàn toàn là kim cương, ruby, sapphire và garnet.
Sau khi nhà hóa học người Pháp phát minh ra công thức sản xuất vật liệu đá quý tổng hợp, chúng ta có thêm saphire và ruby nhân tạo.
Ngày nay, hai phong cách nói trên sẽ giúp phần nào phân loại được đồng hồ cao cấp và đồng hồ phổ thông.
Nói một cách khác, đồng hồ cao cấp sẽ sử dụng chân kính hoàn toàn bằng đá quý tự nhiên.
Và không khó đoán, đồng hồ vừa tiền hơn sẽ được cân nhắc để sử dụng các vật liệu tổng hợp hay đá nhân tạo với giá thành tốt hơn.
4. Có Bao Nhiêu Loại Chân Kính
Chúng ta có tất cả khoảng 5 loại chân kính cơ bản khác nhau
STT | Loại chân kính | Tên tiếng Anh | Đặc điểm |
---|---|---|---|
1 | Tròn có lỗ xuyên tâm | Hole Jewels | Tròn được khoan lỗ ở giữa thường thấy trên các trục bánh răng |
2 | Tròn không có lỗ xuyên tâm | Cap Jewels | Tròn, không có lỗ khoan |
3 | Hình phiến | Pallet Jewels | Có hình vuông vức (vuông, chữ nhật) được đặt ở những nơi thường xảy ra va đập |
4 | Trục lăn | Roller Jewels | Chỉ được gắn tại ví trí cán cân |
5 | Chống sốc | Shock Protection Jewels | Có thể có nhiều hình dạng khác nhau với mục đích chống sốc cho chân kích bởi những tác động lực |
5. “17 Jewels”, “21 Jewels” hay “23 Jewels” Có Ý Nghĩa Gì?
Sẽ có nhiều suy nghĩ luôn cho rằng càng nhiều thì phải càng tốt. Liệu một chiếc đồng hồ cơ càng nhiều chân kính sẽ càng thời thượng hơn và cao cấp ?
Câu trả lời mình là gì thì mình sẽ đưa cụ thể ở phần số 9 nhé !
Cho dù là gì đi nữa thì một thực tế cho thấy rằng, mỗi chân kính sinh ra phải có chức năng riêng của nó.
Và vì thế, số lượng chân kính sẽ phụ thuộc vào kết cấu và mục đích sử dụng của đồng hồ.
Danh sách dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những con số thường thấy trên các dòng đồng hồ thông dụng có trên thị trường:
Số lượng chân kính | Loại đồng hồ |
---|---|
4 | Pin cơ bản |
6-7 | Pin với kim đa chức năng |
17 | Cơ lên cót (self-winding) |
21 | Cơ tự động (automatic-winding) |
23 | Cơ có 2 trống dự trữ năng lượng |
25-27 | Cơ đa năng |
>27 | Kết cấu phức tạp hơn so với các dòng thông dụng |
Từ bảng phía trên, bạn đã có câu trả lời cho câu hỏi số 2 ở phần này rồi phải không nào ?
Ngày nay, hầu hết những mẫu đồng hồ cơ lên cót tay sẽ có 17 chân kính hay còn gọi là 17 Jewels.
Những mẫu đồng hồ cơ tự động sẽ có 21 hay 23 chân kính (21 Jewels và 23 Jewels).
Nếu giờ bắt gặp một chiếc đồng hồ như Seiko 5 Automatic 23 Jewels hay Seiko 5 Automatic 21 Jewels thì bạn có thể phân biệt được phần nào tính năng của đó rồi đấy.
6. Vị Trí Của Chân Kính
Trên thực tế một chiếc đồng hồ 11 jewels sẽ nhìn giống hệt một chiếc có 15 jewels. Lý do là bởi 4 viên đá được thêm nằm ở cạnh bên của bộ máy và ngay phía dưới mặt đồng hồ – là những nơi sẽ khó có thể nhìn ra.
Tương tự như vậy, một chiếc đồng hồ 17 Jewels và 21 Jewels cũng không dễ gì để phân biệt được bằng mắt thường. Ở các dòng 21 Jewels, 4 viên đá có thêm này thường nằm ở phía trên cùng và dưới cùng của 2 bánh răng
Sơ đồ giản lược dưới đây sẽ minh họa ví trí của các chân kính trên trên một chiếc đồng hồ tiêu chuẩn 23 Jewels:
Một chú ý nho nhỏ khác nữa: Vị trí phân bổ chính xác của chân kính sẽ khác nhau tùy theo các nhà sản xuất khác nhau và ở đây mình chỉ đưa đến một ví dụ điển hình nằm trong số đó các bạn nhé.
Nếu bạn biết đến những cách phân bổ nào khác mô hình này, hãy cùng chia sẻ điều đó với mình nhé !
7. Tại Sao Số Lượng Chân Kính Thường Là Số Lẻ
Một điều thú vị khác khi nhắc đến số lượng chân kính, bạn sẽ thấy nó gần như đều là số lẻ phải không nào ? 7 17 21 23 ..
Lý do cũng rất đơn giản thôi ! Hãy kéo lên trên một chút và tìm sơ đồ tại phần 6 – Vị trí của chân kính để thử tìm câu trả lời nhé.
Bạn có thấy có gì đặc biệt không ?
Mình sẽ đưa ra câu trả lời ngay bây giờ đây !
Trong khi toàn bộ chân kính đều đi theo cặp thì ở khu cán cân, chúng ta sẽ thấy có thêm sự xuất hiện của duy nhất 1 roller jewel (trục lăn).
8. Những Vấn Đề Thường Gặp Phải Với Chân Kính
Chân kính bị vỡ hay mẻ sẽ cắt vào bề mặt của các trục chạy liền kề đó.
Nguy hiểm hơn thế, một viên chân kính khi bị nứt có thể hút dầu ra khỏi ổ đỡ bởi mao dẫn( hiện tượng chất lỏng tự dâng khi gặp kẽ hở có tiết diện nhỏ).
Vì những lý do trên, khi không may bạn thấy chân kính bị nứt, hãy mang đến trung tâm bảo hành hoặc các cửa hàng sửa chữa uy tín sớm nhất có thể để tiến hành thay chân kính mới.
9. Liệu Số Lượng Chân Kính Có Quyết Định Chất Lượng Đồng Hồ ?
Mặc dù số lượng chân kính mà một chiếc đồng hồ có thường cho thấy một đấu hiệu tốt về chất lương tổng thế của nó nhưng theo mình đây không phải là tiêu chuẩn tuyệt đối bởi 3 lý do chính sau đây:
- Lý do số 1: Rất nhiều mẫu đồng hồ được ra mắt trước thế kỉ thứ 20 nằm trong sách sách những siêu phẩm đắt đỏ bậc nhất nhưng chúng đều chỉ có không quá 15 chân kính.
- Lý do số 2: Đã có rất nhiều cuộc tranh luận qua nhiều nằm ròng về việc bao nhiêu chân kính được gọi là một chiếc đồng hồ cao cấp và đến giờ vẫn đi tới hồi kết.
- Lý do số 3: Một số mẫu đồng hồ có thêm chân kính hay đá quý được sử dụng hoàn toàn với mục đích trang trí và điều này không hề quyết định tới độ bền hay độ chính xác của sản phẩm.
Trong phần này, mình sẽ nói thêm về lý do số 3, mình tin rằng thông tin này bạn sẽ quan tâm.
Lạm dụng tư tưởng càng nhiều càng tốt của phần lớn người dùng, rất nhiều hãng đồng hồ đã tự ý thổi phồng số lượng chân kính khi quảng bá sản phẩm của họ.
Một sự thật đáng buồn, rất nhiều trong số đó được sản xuất ra không vì mục đích nào cả. Và điều này gián tiếp can thiệp một cách không đẹp vào sự lựa chọn của khách hàng.
Trước vấn nạn đó, ISO 1112 đã ra đời vào năm 1974.
Mục đích ra đời của ISO 1112 chính nhằm nghiêm cấm việc sản xuất chân kính không có tính năng.
Thông tin đầy đủ của tiêu chuẩn này có thể tìm thấy ở đây.
Tiêu chuẩn 1112 này đã phần nào giảm thiểu tối đa sự làm dụng của các nhà sản xuất hay tác động tích cực hơn về cách đánh giá, nhìn nhận của người dùng.
Tuy nhiên, chúng ta đều biết rằng không có gì là tuyệt đối cả. Hãy luôn thật cẩn trọng bởi rất nhiều thương hiệu đã và đang lách luật một khách rất khéo léo.
10. Lời Nhắn
Tiếp nối phần ở trên, mình muốn gửi tới lời nhắn nhủ của mình tới những bạn đọc có cùng đam mê.
Hãy luôn thật thông thái khi lựa chọn một chiếc đồng hồ để cùng đồng hành với bạn. Đừng bao giờ đánh giá quá nhanh chất lượng của nó chỉ vì số lượng chân kính khủng.
Trong bất kể trường hợp nào, hãy luôn tìm hiểu thật kĩ từ nhiều nguồn tin cậy khác nhau. Bằng cách đó, bạn sẽ luôn có cái nhìn khách quan và chính xác hơn về sản phẩm.
Lựa một chiếc đồng hồ phù hợp với nhu cầu và phong cách của mình.
Tuyệt đối không chạy theo một xu thế hay theo một tiêu chuẩn của ai đó.
Chúc bạn sẽ luôn lựa chọn được những mẫu đồng hồ xứng đáng với số tiền bỏ ra. Và đừng quên, hãy để lại comment nếu bạn có những góp ý hay những câu hỏi liên quan tới chủ đề chân kính nhé.
Nếu bạn muốn mình viết thêm về chủ đề nào khác bạn đang quan tâm, hãy gửi cho mình qua đây
Trả lời